Hotline TƯ VẤN: 0966 789 409 - ĐẠI LÝ: 0966 489 409 - SHOWROOM: 611/28A Điện Biên Phủ, Phường 1, Quận 3, TP.HCM

ĐỊU CON – LƯU GIỮ KỶ NIỆM TUỔI ẤU THƠ TRÊN LƯNG MẸ

ĐỊU CON – LƯU GIỮ KỶ NIỆM TUỔI ẤU THƠ TRÊN LƯNG MẸ

Hình ảnh những em bé được bao bọc trong chiếc địu ấm áp theo mẹ lên rẫy, đi chợ, ra bến nước,... gợi lên nhiều cảm xúc về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả. 

BUBI giới thiệu một số chiếc địu vải truyền thống của các dân tộc Ê đê, H’Mông, Tày trên cao nguyên Đắk Lắk.

Chiếc địu của người Ê đê Krung (huyện Ea Kar): Do người mẹ tự tay dệt trước khi em bé chào đời, đây là tấm địu lớn hình chữ nhật có kích thước 306cm x 61cm, dệt bằng sợi len màu đen và để tua ở hai đầu. Bề mặt trang trí hoa văn hình răng chuột, quả trám kết hợp với các đường sọc nhiều màu sắc chạy song song và cách đều nhau theo chiều dài của địu.

Với tất cả tình yêu thương và sự chờ mong đứa con ra đời, tấm địu vừa có sự chắc chắn, bền đẹp lại đong đầy tình cảm của người mẹ. Trước những thay đổi của thời tiết vùng cao nguyên, địu che nắng cho con khi theo mẹ lên rẫy, như vòng tay ôm, ủ ấm con khi gió lạnh ùa về, trên lưng mẹ bé bình yên chìm vào giấc ngủ sâu.

 

Địu em bé người Ê đê Krung

 

Chiếc địu của người mẹ trẻ H’Mông (huyện M’Drắk, Krông Pắk): Trong đời sống của đồng bào cùng với chiếc gùi đung đưa trên lưng các bà, các mẹ thì chiếc địu vải cũng là một vật dụng không thể thiếu và gắn bó với người phụ nữ H'Mông. Phụ nữ H’Mông rất giỏi thêu thùa, may vá, cũng giống như trang phục, những chiếc địu con được làm công phu, sặc sỡ, nhiều màu sắc. Địu có dạng hình chữ nhật, gồm 2 lớp, lớp trong để trơn, lớp ngoài trang trí các họa tiết hoa văn nhiều màu sắc, phía trên là dây cột. Bố cục trang trí thể hiện kỹ thuật thêu và may chắp vải tài tình, hoa văn trang trí hình học, trám lồng, hình hoa, sao tám cánh, xoắn ốc, chữ thập, ...

Ông Lý Văn Vang, trưởng thôn Nà Mộ cho biết:“Chiếc địu vải là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình người Mông chúng tôi. Nó giúp người mẹ vừa trông con, vừa làm được các công việc khác như nấu cơm, giặt giũ, gặt lúa, làm nương, gánh nước. Đứa trẻ được địu sẽ được chơi, ngủ an toàn trên lưng mẹ”. Theo cách truyền thống, địu vải của người H'Mông được làm bằng vải thổ cẩm, gồm 2 phần: Dây địu và thân địu. Thân địu có 2 lớp, lớp trong là một miếng vải chàm đen; lớp ngoài gọi là mặt địu được làm bằng miếng vải thêu các loại hoa văn, họa tiết. 

Mặt địu được trang trí bắt mắt, tựa như một tác phẩm nghệ thuật mà người H'Mông tạo ra với đầy đủ sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế. Chị Giàng Thị Súa cho biết, mặt địu được tách biệt với phần phía trên hình tam giác để đỡ cổ bé và phần phía dưới hình nhữ nhật để đỡ thân bé. Ở mỗi phần có cách trang trí khác nhau, gửi gắm nhiều ý nghĩa độc đáo.

 Phần phía trên tạo ấn tượng với những chiếc tua rua chạy xung quanh, ôm gọn 30 bông hoa, 6 chiếc lá được thêu thùa đẹp mắt. Trong quan niệm người Mông 30 và 6 là những con “số lành”, “số đẹp” thường được áp dụng để trang trí lên trang phục.

Trên nền vải thổ cẩm màu đỏ, phần thân địu càng sặc sỡ với đường nét thổ cẩm. Sự đa sắc màu cùng với những đường viền quanh dây địu, tượng trưng cho 8 tia nắng, 9 tia mưa. Nó là sự kết hợp hài hòa tượng trưng cho trời, đất, mây, mưa, sấm chớp, cây cỏ cùng hoa lá và ánh mặt trời… trông thật đẹp mắt. Điều đó còn thể hiện sự pha màu khéo léo cùng với tính nghệ thuật thẩm mỹ của người làm.

Hoa văn trên chiếc địu chủ yếu là hình chiếc lá, bông hoa, cánh chim. Đây là biểu tượng cho thiên nhiên núi rừng cùng những khát vọng bay cao, bay xa. Bên cạnh đó, người Mông Nà Mộ quan niệm, hoa văn sẽ giúp con người giao tiếp được với các thần linh, mời các thần linh tới nhà ban phát cho điềm lành, xua đi những điều dữ.

Dây địu có bề rộng, mỗi dây khoảng 10 cm, chiều dài 1m, may bằng vải chàm. Khi địu trẻ nhỏ, người ta đặt đứa trẻ trên lưng, hai chân để sang hai rồi bắt đầu vắt thân địu và luồn dây khéo léo để địu ôm gọn lấy cơ thể bé. Ở trong chiếc địu ấm áp, những đứa trẻ ngoan ngoãn, ít khi quấy khóc và dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ.

Theo chị Hoàng Thị Hoa, chiếc địu còn là món quà của bà ngoại tặng cho cháu, là tình cảm của cha mẹ tặng cho con cái. Khi con gái đi lấy chồng có bầu, người mẹ làm sẵn chiếc địu đợi đến ngày con gái sinh, đích thân bà ngoại sẽ mang chiếc địu đến cho con gái. Chiếc địu thể hiện sự cần cù, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ H'Mông. Mỗi chiếc địu từ khi bắt đầu làm đến khi hoàn thành phải mất 2 tháng, do đó đòi hỏi người làm phải có đức tính kiên trì, cần mẫn.

 

 

Địu con của người H’mông

Chiếc địu của người Tày (huyện Krông Buk): Người mẹ tự tay dệt, may bằng kỹ thuật truyền thống và dùng lúc con còn thơ bé, đến khi trưởng thành cô con gái lại sử dụng chiếc địu cũ của mẹ cho con cháu mình. Được dệt bằng sợi bông và nhuộm chàm, chiếc địu mang lại cảm giác mềm mại, từng đường may, mũi chỉ đều tinh tế, cẩn thận, ở giữa trang trí mảng hoa văn, họa tiết hình học màu trắng, cam.

 

Địu con của người Tày

Ngày nay xã hội hiện đại, nhiều vật dụng trông trẻ ra đời thế nhưng chiếc địu vẫn là đồ dùng không thể thiếu trong bất cứ gia đình nào. Chiếc địu như vòng tay ấm áp của mẹ, ôm ấp, bao bọc con, mong cho con lớn khôn từng ngày.

Cùng BUBI ngắm một số hình ảnh địu vải hiện đại mà các ba mẹ trẻ thường hay dùng hiện nay nhé

 

 

Bài sau →