Hotline TƯ VẤN: 0966 789 409 - ĐẠI LÝ: 0966 489 409 - SHOWROOM: 611/28A Điện Biên Phủ, Phường 1, Quận 3, TP.HCM

Cho con bú đúng khoa hoc: Tư thế bú, cách cho Bú đêm

Cho con bú đúng khoa hoc: Tư thế bú, cách cho Bú đêm

Cho con bú đúng khoa hoc: Tư thế bú, cách cho Bú đêm,…

Khá nhiều mẹ lần đầu nuôi con băn khoăn về cách cho con bú thế nào là khoa học, tư thế búnào là đúng, cách cho con bú đêm,… Bởi không phải mẹ nào sinh con ra là cũng thực hiện đúng chuẩn bản năng chăm sóc con, nuôi dạy con. Tất cả mọi bà mẹ trên thế giới đều phải học cái nghề “làm mẹ” mỗi ngày để từ đó dần hoàn thiện mình. Trong giới hạn bài viết này, mời các mẹ cùng với BUBI tìm hiểu về cách cho con bú khoa học và hiệu quả nhất nhé.

1. Cho con bú đúng kỹ thuật

1.1. Khớp ngậm đúng khi cho bú

Đây được xem chìa khóa thành công của các mẹ trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Khớp ngậm đúng chính là điểm quan trọng nhất quyết định cách cho con bú của các mẹ có khoa học hay không. Con bú mẹ đúng khớp ngậm được mô tả như sau:

  • Cằm con được cắm sâu vào bầu vú của mẹ
  • Đầu con ngửa ra và lưỡi đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới
  • Miệng con mở rộng và ngậm hết cả quầng vú mẹ chứ không chỉ ngậm mỗi núm vú.
  • Con ngậm quầng vú dưới sâu hơn quầng vú trên, nghĩa là đỉnh đầu ti mẹ sẽ nằm sát vòm họng trên của con
  • Cách cho con bú đúng khớp ngậm tức là mẹ không hề bị đau hay khó chịu khi cho con bú và dù lúc bé ngừng nút thì khớp bám vẫn rất chắc.
  • Ban đầu khi sữa nhiều có thể con sẽ bú nhanh, sau đó bú dần đều, nhịp nhàng vừa nút, vừa nuốt, thở và nghỉ một vài phút rồi lại bú tiếp.

Vậy để con bú đúng khớp ngậm thì mẹ cần hỗ trợ những thao tác sau:

  • Luôn vệ sinh sạch sẽ đầu ti, tốt nhất là bằng nước ấm hoặc vài giọt sữa mẹ trước và sau khi cho con bú.
  • Tư thế nằm hoặc ngồi miễn sao thật thoải mái để bế con, da tiếp da với con thì càng tốt
  • Đưa đầu ti chạm môi trên của con, theo phản xạ tự nhiên nhiều bé sẽ há miệng rộng sẵn sàng bú.
  • Một tay mẹ đỡ cổ con để con nằm ngửa thoải mái, tay còn lại tạo thành hình chữ C, ngón cái ấn phía trên để núm ti lên phía môi trên của con, môi dưới của con sẽ theo phản xạ ngậm đầu ti mẹ, mẹ ấn nhẹ để môi con ngậm sâu cả quầng vú.
  • Đối với những bé không há miệng rộng ra, mẹ có thể dùng đầu ngón tay cho núm vú chạm khắp môi, mũi con trêu đùa cho đến kho con lè lưỡi, há miệng rộng để đón ti mẹ.

Mời các mẹ tham khảo thêm video hướng dẫn cách cho con bú đúng khớp ngậm dưới đây để thực hành cho chuẩn nhé:

1.2. Tư thế bú mẹ

Các mẹ thường băn khoăn về cách cho con bú thế nào là khoa học. Thế nhưng, rất mẹ không biết chính tư thế bế con khi cho bú lại là một thao tác rất quan trọng và quyết định đến việc mẹ cho con bú đúng cách hay chưa. Tư thế bú mẹ của bé ngay sau khi sinh quyết định đến việc kích sữa non về trong những ngày đầu. Bởi với mỗi tư thế khác nhau thì việc kích sữa non về cũng khác nhau.Lưỡi bé sẽ có tác dụng massage quầng vú mẹ, chạm vào các tia sữa, hỗ trợ việc tiết sữa và thông tia sữa. Dưới đây là một số tư thế bú mẹ phổ biến nhất các mẹ có thể áp dụng:

  • Bú ngồi kiểu ôm ru: Thường mẹ sẽ bế bé kiểu ôm ru tự nhiên, mẹ bế con áp vào người sao cho tai, vai và mông con nằm trên một đường thẳng.

cach cho con bu dung khoa hoc cho con bu dem 2

  • Bú ngồi kiểu ôm bóng: Kiểu ôm bóng là phù hợp nhất đối với mẹ sinh đôi, đây cũng là tư thế bú mẹ giúp đầu lưỡi bé massage kích sữa tốt nhất cho mẹ trong những ngày đầu sau sinh. Tốt nhất là mẹ sinh đôi cho 1 con bú cùng 1 lúc, mỗi con bú 1 bên vú và sau đó có thể đổi bên. Một lúc chăm 2 bé sẽ rất vất vả nên việc cho con bú đúng cách sẽ giúp mẹ nhàn đi rất nhiều. Để làm được việc này mẹ đừng ngần ngại nhờ bố các bé hoặc người thân khác hỗ trợ mẹ nhé.

cach cho con bu dung khoa hoc cho con bu dem 3

  • Bú nằm: Bú nằm hay kiểu nằm cạnh cũng là một tư thế cho con bú được nhiều mẹ áp dụng, đặc biệt đối với những mẹ sinh mổ hoặc sinh thường nhưng sau sinh sức khỏe yếu. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý trẻ sơ sinh kích thước dạ dày còn nhỏ và ở tư thế nằm ngang thì lỗ tâm vị của dạ dày không khép kín như trẻ đã lớn. Do đó nếu mẹ cho bé bú sai khớp ngậm khi bú nằm thì bé sẽ rất dễ bị nôn trớ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh xương đầu còn mềm nên nếu mẹ cho con bú nằm thì cần đổi bên đều để đầu con không bị méo.

cach cho con bu dung khoa hoc cho con bu dem 4

  • Tay mẹ nâng bầu vú khi con con bú bằng cách: Ngón cái để trên núm vú, các ngón tay còn lại để quầng vú dưới, ngón tay trỏ của mẹ nâng núm vú. Hoặc mẹ có thể để ngón cái chếch 60 độ ở phần bầu vú trên so với núm vú, ngón trỏ và ngón thứ 3 kẹp nhẹ phần quầng thâm của vú để ngăn tia sữa khi sữa chảy quá nhiều.

Mẹ nên nhớ dù áp dụng tư thế nào đi chăng nữa thì cách cho con bú của mẹ chỉ thành công khi mẹ có tư thế cho bú thoải mái nhất, vì khi cơ thể thoải mái, tinh thần sẽ thoải mái và sữa ắt sẽ về thật nhiều để mẹ yên tâm cho con bú.

Dưới đây là một số tư thế cho con bú sai cách, khớp ngậm sai nhưng vẫn khá nhiều người mắc phải, xin các mẹ lưu ý để rút kinh nghiệm cho bản thân:

  • Mẹ bế con quá ngửa cổ, đầu – lưng – hông không thẳng

cach cho con bu dung khoa hoc cho con bu dem 5

  • Khớp ngậm sai, má con lõm vào khi bú mẹ

cach cho con bu dung khoa hoc cho con bu dem 6

  • Ngón tay mẹ giữ vú theo tư thế gọng kìm

cach cho con bu dung khoa hoc cho con bu dem 7

1.3. Thời gian và tần suất cho bú

Điều đặc biệt của các bé bú sữa mẹ đó là bú theo nhu cầu, đói tự khắc biết tu ti chứ không cần mẹ lên lịch, đặt giờ. Thông thường thì ban ngày cứ 2-4 tiếng con sẽ bú một cữ, và mẹ nên cho con bú đủ khoảng 8-12 lần/24 giờ. Đa số mỗi cữ bú trẻ sơ sinh sẽ bú từ 15 đến 20 phút. Nếu bé nào mút chậm thì mẹ cứ để con bú đến khi nào con no và tự biết nhả vú.

Mẹ càng cho bú nhiều thì sữa mẹ càng được tiết ra nhiều theo nguyên tắc “cung – cầu”. Bởi vậy mẹ đừng băn khoăn về thời gian và tuần suất cho bú, hãy cho con bú sớm nhất, thường xuyên nhất và thực hành cách cho con bú đúng chuẩn nhất mẹ nhé.

Nếu bé muốn bú đêm thì mẹ hãy cứ cho bé bú: Nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ hocmon tạo sữa Prolactin cao hơn rất nhiều vào buổi đêm và mờ sáng. Hơn nữa ban đêm khi mẹ nghỉ ngơi thì sữa cũng tiết ra nhiều hơn. Do đó, khi con bú đêm, tuyến sữa trống thì chuyển sang ngày mới sẽ tăng lượng sữa mẹ lên nhiều hơn. Một lợi ích nữa của bú đêm phải kể đến đó là sữa mẹ tiết ban đêm chứa nhiều melatonin – một hocmon giúp trí não bé phát triển tối ưu, bé ngủ ngon giấc và tăng chiều cao đáng kể.

2. Những lưu ý khi cho con bú

2.1. Mẹ nên biết về khuyến cáo của WHO khi cho bé bú

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo rằng:

  • Sản phụ nên cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh để tận dụng sữa non, kích sữa xuống nhanh, xuống sớm và giúp co hồi tử cung.
  • Cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không bổ sung thức ăn, thức uống nào khác ngoài sữa mẹ, kể cả là nước lọc.
  • Chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ tháng thứ 6 và tiếp tục cho bú sữa mẹ thiểu đến 24 tháng
  • Khi trẻ bị bệnh, kể cả là bị tiêu chảy thì vẫn duy trì cho trẻ bú mẹ bình thường.

2.2. Cho con bú lần lượt cả 2 bên ti

 Mẹ cho con bú 1 bên ti từ 15-20 phút hoặc lâu hơn theo nhu cầu của con cho đến khi sữa cạn, sau đó mới đổi bên ti còn lại nếu con vẫn chưa no.

Đây là điểm mấu chốt để con có thể tận hưởng trọn vẹn cả lớp sữa đầu nhiều kháng thể và lớp sữa sau giàu chất dinh dưỡng, để con tăng cân tốt. Và đây cũng là nguyên tắc để tạo tuyến sữa trống, giúp sữa mẹ về nhanh hơn. Nếu mẹ nào còn phân vân về cách cho bú thế nào là khoa học thì cần phải đảm bảo thực hành tốt thao tác này mẹ nhé.

2.3. Không nên dùng ti giả, ti bình trong thời kỳ cho bé bú

Cách cho con bú khoa học nhất là mẹ phải nói không với núm vú nhân tạo, ít nhất là trong 4-6 tháng đầu. Nếu mẹ nào muốn tập cho con ti bình để chuẩn bị cho thời kỳ đi làm trở lại thì đừng vội tiến hành quá sớm. Bởi vì trong thời kỳ sơ sinh, việc để cho con tự quen với phản xạ bú mẹ để bú cho đúng là rất quan trọng. Nếu mẹ dùng ti giả, ti bình sớm thì dần bé sẽ mất phản xạ bú mẹ, khiến mẹ bị căng tức vú, dễ dẫn đến việc phải ngừng cho con bú sớm.

Trong trường hợp bé ốm yếu hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó mà không bú được mẹ trong vài ngày, mẹ vắt sữa vào cốc và cho con ăn bằng thìa là giải pháp tốt nhất.

2.4. Dấu hiệu con đã bú no

Nếu mẹ thấy bé có những dấu hiệu dưới đây thì chứng tỏ bé đã bú no mẹ nhé:

  • Nước tiểu: Bé sẽ tè ướt ít nhất 6 cái tã/ngày. Nước tiểu có màu vàng nhạt.
  • Phân của bé: Đối với những bé trước 3 tháng thường đi ị ít nhất 3 lần/ngày, phân có thể mềm hoặc lỏng. Bé lớn hơn thì ị ít hơn, nhưng vẫn đảm bảo phân mềm.
  • Trạng thái tâm lý: Bé vui vẻ, chơi ngoan, không khóc đòi bú
  • Giấc ngủ: Thường bé bú no sẽ tự nhả vú và chìm vào giấc ngủ sâu
  • Phát triển: Nếu các mẹ kiểm tra thấy con tăng cân và phát triển chiều dài, vòng đầu đều, đặc biệt là tăng rõ rệt trong 3 tháng đầu thì chứng tỏ mẹ đã có cách cho con bú đúng chuẩn.

2.5. Cách vỗ ợ hơi sau khi cho con bú

Đây cũng là một trong những lưu ý cơ bản, được rất nhiều bác sỹ nhắc tới khi tư vấn cho các mẹ về cách cho con bú khoa học và hiệu quả. Bởi vì trong khi con bú, có thể sẽ nuốt luôn cả không khí, theo đường thở vào bụng gây dư khí, đầy hơi, cản trở quá trình tiêu hóa của đường ruột. Nếu con ợ hơi được thì không khí sẽ bị đẩy ra ngoài, con sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi lần bú mẹ.

Các mẹ có thể giúp con ợ hơi bằng cách sau:

  • Đối với bé từ 0-3 tháng tuổi: bế bé tựa vai mẹ theo tư thế thẳng, một tay đỡ mông, tay kia vuốt thẳng lưng hoặc vỗ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để giúp bé ợ hơi.
  • Đối với những bé trên 3 tháng và đã cứng cáp hơn: Mẹ cho bé ngồi trên đùi, mặt quay ngang một tay mẹ giữ phần ngực sát cổ bé, trong đó ngón cái và ngón trỏ giữ cằm bé, tay kia vỗ nhẹ và dứt khoát vào giữa lưng bé, sau khi vỗ thì xoa nhẹ nhàng lưng để giúp bé dễ chịu.
  • Mẹ lưu ý rằng thường thì sau mỗi cữ bú bé thường ợ hơi, nhưng cũng có những cữ bé không ợ hơi là điều bình thường. Các mẹ có thể tham khảo chi tiết tư thế bế bé ợ hơi theo clip dưới đây:

 

3. Hậu quả của việc cho con bú sai cách

  • Chứng vàng da của trẻ sơ sinh kéo dài: Đa phần trẻ sơ sinh trong tháng ngủ nhiều, có khi ngủ liên tục và không biết đòi bú. Nhiều mẹ vì thế cũng để kệ và không cho bé bú đủ từ 8-12 lần/ngày. Điều này không những khiến con chậm tăng cân mà còn cho chứng vàng da trong tuần đầu của con thêm nặng.
  • Mẹ nhiều sữa, bé bú nhiều mà vẫn chậm tăng cân: Đây là hậu quả của việc con bú sai khớp ngậm, hoặc mẹ sợ hai bầu vú mất cân đối nên cho bú cả 2 bên ti trong cùng 1 cữ. Hậu quả là con yêu của bạn chỉ được “giải khát” bằng lượt sữa đầu mà không được tận hưởng lớp sữa sau nhiều chất dinh dưỡng, do đó con chậm tăng cân là tất yếu.
  • Mẹ bị tắc tuyến sữa: Một trong những nguyên nhân khiến mẹ tắc tuyến sữa là do mẹ áp dụng cách cho con bú sai kỹ thuật cơ bản và không cho bú ngay sau sinh hoặc bú quá ít lần/ngày
  • Ti mẹ bị nứt cổ gà do nhiễm nấm Candida: Nứt cổ gà là hiện tượng đầu ti mẹ đau rát, nứt như những vết cắt sau. Có một số trường hợp mẹ song song cho con bú và ti bình, ti giả nên con bị nhiễm nấm từ núm vú nhân tạo đó và khi bú mẹ thì lây nhiễm vào đầu ti mẹ.
  • Ti mẹ bị nứt cổ gà do nhiễm khuẩn: Nguyên nhân có thể do tư thế cho con bú sai sách, khớp ngậm không đúng. Nhưng nguyên nhân chính là việc mẹ chưa giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi cho bé bú, kể cả vệ sinh bầu vú, núm vú và tay.
  • Cho con bú sớm, bú liên tục mà sữa mẹ vẫn ít: Mặc dù mẹ cho bú liên tục, bú sớm nhưng cách cho bú không đúng khoa học thì việc bé bú cũng không có tác dụng kích sữa về nhanh.
  • Con bị sặc sữa: Cách cho con bú sai tư thế sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng sặc sữa, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Đối với trẻ hơn 3 tháng tuổi, đã bắt đầu hóng chuyện, có lúc vừa bú vừa chơi đùa hoặc đang bú mà bị ho, khóc gắt, nhưng mẹ vẫn cho bú thì rất dễ gây sặc. Ngoài ra, nhiều mẹ ép bé bú quá no trong khi dung tích dạ dày bé còn nhỏ, dạ dày thẳng chứ chưa cong như người lớn nên dễ bị trào ngược. Còn có nhiều trường hợp bé bị sặc sữa do sữa mẹ chảy xuống quá nhanh và quá nhiều.
  • Để phòng tránh sặc sữa khi bú, các mẹ cần lưu ý:

+ Không cho con vừa bú vừa ngủ

+ Nếu con khóc, con ho thì tạm dừng cho bú đến khi con nín

+ Không để con quá đói vì khi đói con háu ăn, háu bú nên cũng dễ bị sặc

+ Nên cho con bú ở không gian yên tĩnh, 1 mẹ 1 con để con tập trung bú, không vừa bú vừa hóng chuyện.

+ Phải thực hành đúng tư thế cho con bú đúng cách như nếu trên để đản bảo con bú thoải mái, không gập cổ hoặc quá ngửa cổ dễ bị sặc

+ Nếu sữa mẹ quá nhiều, chảy quá nhanh thì mẹ có thể dùng 2 ngón tay kẹp bớt đầu vú để ngăn bớt sữa xuống

  • Khi không may bé bị sặc sữa, mẹ cần sơ cứu ngay theo thao tác sau:

+ Hút hết sữa trong miệng, mũi của con bằng thiết bị chuyên dụng hoặc quấn gạc mềm quanh ngón tay rồi đưa vào khoang miệng để thấm hết sữa, tránh để sửa tràn vào khí quản.

+ Vỗ dứt khoát vào lưng hoặc véo nhẹ lòng ban chân để con ho hoặc khóc, giúp đẩy hết dung dịch sữa ra ngoài

+ Nếu trẻ vẫn bị sặc, đặt con nằm sấp, đầu chúc xuống trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ mạnh dứt khoát 5 cái vào lưng chỗ giữa hai xương bả vai. Lặp lại cho đến khi con hết ngạt thở

Sau khi sơ cứu nên vệ sinh sạch mũi họng cho con bằng dụng cụ rửa xịt mũi chuyên dụng.

Hi vọng những chia sẻ nêu trên sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “Cho con bú thế nào là khoa học?” của nhiều mẹ. Các mẹ sẽ bớt lóng ngóng hơn khi lần đầu ẵm bé trên tay và trao món quà vô giá đầu đời cho bé. Cho con yêu bú đúng cách không những mang lại lợi ích cho con khi nhận trọn vẹn giá trị dinh dưỡng từ sữa mẹ, mà còn giúp mẹ giải tỏa lo lắng, thoải mái tinh thần để “gọi sữa về” phục vụ con. Chúc các mẹ luôn tự tin, vững vàng trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ đầy thiêng liêng.

← Bài trước Bài sau →
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận